Những thương hiệu bạc tỉ
Chúng có mặt mọi nơi. Chúng trùm lên cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Chúng hiện lên trong giấc ngủ của các nhà quản trị kinh doanh, là cơn ác mộng triền miên của những chuyên gia thiết kế quảng cáo. Cuộc điều tra mới nhất của tạp chí Challenge (Pháp) và công ty nghiên cứu, tư vấn, sáng tạo thương hiệu Interbrand (Mỹ) đã xác định những thương hiệu trị giá bạc tỉ đôla.  

"Những thương hiệu thời trang, mỹ phẩm dẫn đầu"

Ngự trị ở hạng nhất danh sách các thương hiệu có giá trị cao nhất tại thị trường Pháp là Louis Vuitton (đồ da) với giá trị gần 8 tỉ euro, hơn hẳn thương hiệu mỹ phẩm, dầu thơm L’Oréal (5,7 tỉ euro). Chủ tịch tập đoàn LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy) Yves Carcelle khoe. "Thương hiệu Louis Vuitton là một gia sản lịch sử mà chúng tôi quyết tâm phát triển cho giàu hơn nữa".

Nhưng ở bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất toàn thế giới Best Global Brands, Louis Vuitton chỉ giành được hạng 41. Ngoài ra còn 4 thương hiệu Pháp khác lọt vào danh sách này, L’Oréal, Chanel (thời trang, mỹ phẩm, 4,8 tỉ euro)), Danone (sản phẩm sữa, bánh kẹo, thực phẩm, 4,5 tỉ euro) và Moet & Chandon (champagne, 2,7 tỉ euro).

"Tài chính, một sản phẩm tiêu dùng đại trà?"

Sau khi hoàn tất việc sáp nhập vào năm 2000, tập đoàn ngân hàng BNP (Banque Nationale de Paris) Paribas trở thành thương hiệu trị giá cao hạng 3 trong nền kinh tế Pháp. Họ có ý biến mình thành một thương hiệu tiêu dùng đại trà. Kinh doanh tài chính mà không khác gì kinh doanh sản phẩm sữa, yaourt, bánh bích-quy... "Như mọi sản phẩm khác, một thương hiệu ngân hàng cũng cần đem niềm tin, sự an tâm đến cho khách hàng. Như thế mới khuyến dụ được họ đến với mình”, giám đốc thông tin và quảng cáo Antoine Sire ở BNP Paribas nói. Vì thế "Ngân hàng của thế giới đang thay đổi” đã trở thành khẩu hiệu. Logo mới của họ - hình ảnh chim én đang tung cánh bay lên cao - nhanh chóng được tái ấn định vào thị trường (3.000 chi nhánh khắp thế giới) chỉ trong vòng một năm. Kết quả BNP Paribas nay là ngân hàng nổi tiếng hàng thứ 7 trên thế giới, tức nhảy vọt 7 thứ hạng nếu so với thời chưa sáp nhập.

"Thông điệp cho một thương hiệu"

"Danone muốn và chắc chắn sẽ có chân trong sân chơi của các đại gia như McDonald’s, Levi’s hay Coca-Cola", là tuyên bố của ông Franck Riboud, tổng giám đốc tập đoàn thực phẩm tiêu dùng từ sữa Danone. Ðể được chơi chung sân với các đàn anh khổng lồ, mỗi năm Danone dành 5% tổng doanh thu cho khâu quảng cáo và tiếp thị, tức bằng với số tiền dành cho các công trình đầu tư công nghiệp mới của tập đoàn. Ngay từ năm 1994 Danone đã hiểu rằng củng cố một thương hiệu vua (Danone) được truyền bá bởi khẩu hiệu độc nhất “Sức khoẻ tốt nhờ biết cách ăn uống” mà làm nền cho chùm thương hiệu quốc tế và khu vực sẽ giúp họ nhanh chóng thành công. Và đúng như vậy, doanh thu từ các thức ăn mang thương hiệu Danone đã từ mức chiếm 36% tổng doanh thu năm 2000 tăng lên thành 40% tổng doanh thu năm 2002 (13,5 tỉ euro). Trong thời gian từ 1997 đến 2000, doanh thu các sản phẩm Danone có mức tăng trưởng trung bình 12%/năm.

"Siêu thị- căn nhà hạnh phúc’

Ðổ bộ vào thị trường Trung Quốc năm 1995, chuỗi đại siêu thị Carrefour của Pháp đã trở thành "căn nhà hạnh phúc" của đông đảo người tiêu dùng. Carrefour còn có mặt ở 30 thị trường khác trên thế giới. "Chúng tôi chú trọng quảng bá một thương hiệu và một logo duy nhất ở mọi nơi mình tìm đến,” Alain Thieffry, giám đốc tiếp thị của Carrefour nói. “Tuy nhiên, chúng tôi không quên giới thiệu mình là nhà cung cấp toàn cầu nhưng tùy theo nhu cầu từng địa phương". Vì khách hàng ở Thụy Sĩ khác với khách hàng ở Trung Quốc và khách hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Bằng chứng của lòng tín nhiệm mà người tiêu dùng dành cho chúng tôi là họ đã nhờ chúng tôi giữ luôn tiền tiết kiệm của họ," tổng giám đốc Daniel Bernard cho biết. Carrefour xếp hạng 6 trên danh sách các thương hiệu giá trị nhất ở Pháp (4,4 tỉ euro).

"Bic, nhỏ mà lớn!"

"Một người tiêu dùng chỉ mất 20 giây để chọn mua cây viết nên thương hiệu phải là một cái gì đó có trọng lượng thật lớn," chủ tịch Bruno Bich của công ty Bic nói. Thương hiệu này thì có ai trên thế giới không biết đến vì Bic là nhà sản xuất viết bi lớn nhất thế giới (mỗi ngày tiêu thụ 21 triệu cây) đã thành công cả khi tung ra hộp quẹt ga (mỗi ngày bán hết 4,5 triệu cây) và dao cạo râu (mỗi ngày tiêu thụ 10 triệu cây) nhờ cũng mang thương hiệu Bic. Toàn là những đồ dùng vài lần rồi bỏ, giá rất rẻ nhưng mỗi người tiêu dùng không thể tránh dùng chừng chục cái trong mỗi năm.

"Bic là một tên hiệu quá quen thuộc với mọi người. Ai ai cũng tin dùng nó," Bruno Bich, hậu duệ của tử tước Marcel Bich, người đã tạo ra cây stylo Crystal vào năm 1950. Viết bi, dao cạo râu (loại 1 lưỡi lam và loại 2 lưỡi), hộp quẹt gas hiện góp 75% tổng doanh thu của Bic. Từ tháng 4.2003, Bic tung ra dao cạo râu Bic Comfort 3 (3 lưỡi lam) bán với giá 1 euro. Bic xếp hạng 17 trên danh sách các thương hiệu giá trị nhất tại thị trường Pháp (1,2 tỉ euro).

Nguồn tin: Marketing Vietnam - Theo Lantabrand


Các tin tức có liên quan :

  - Máy phát điện giảm thanh Kibii

  - Xuất khẩu máy phát điện sang Đông Bắc Phi

  - Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu máy phát điện sang Úc

  - E300- Máy phát điện xách tay đầu tiên của Honda

  - Xuất khẩu 200 máy phát điện sang thị trường Trung Đông

  - Năm 2013 cung ứng điện phía Nam sẽ gặp khó khăn?

  - Bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho thiết bị điện

 
Copyright © Dakao Vietnam. All rights reserved.